Ở các quốc gia Đông Nam Á, phần lớn dân cư sống dưới ngưỡng nghèo, chiếc xe gắn máy là cơ may để tìm được một việc làm tốt hơn dù xa hơn và sống ở khu phố khá hơn. Tại Thái Lan, cứ 2 xe máy có 1 xe ôtô, tại Myanmar và Indonesia, có khoảng 7 hoặc 8, còn tại Việt Nam tỉ lệ này là 57 xe máy cho 1 ôtô. Ở Bangkok, người dân coi xe máy là phương tiện để tránh tắc đường. Trong khi đó, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đây lại là phương tiện đi lại chính.
Tờ "Le Courrier International" của Pháp đã đề cập tới tình trạng an toàn giao thông tại khu vực Đông Nam Á khi trích lại bài viết "Xe gắn máy, tai họa cho y tế cộng đồng" của tờ "Internazionale", xuất bản tại Rome (Italy). Theo đó, giá phải trả về mặt xã hội và kinh tế do tai nạn xe gắn máy hai bánh gây ra rất lớn.
Tác giả bài báo phản ánh thực trạng đầu tiên tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á là chạy xe gắn máy không có bằng lái. Theo những đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới, tai nạn giao thông gây hại từ 2-3,5% GDP hàng năm của các nước Đông Nam Á do các trường hợp tử vong, thương tật lâu dài, tốn kém cho hệ thống y tế và đền bù vật chất.
Việc đội mũ bảo hiểm là bắt buộc khi tham gia giao thông. Nhưng luật này ít được áp dụng và đôi khi bị chế nhạo. Ở một tỉnh ngoại ô thủ đô Phnom Penh của Campuchia, chỉ khoảng 24% người đi xe gắn máy đội mũ bảo hiểm. Còn tại Việt Nam, bài báo dẫn một nghiên cứu gần đây cho biết 80% mũ bảo hiểm cho xe gắn máy không đạt tiêu chuẩn an toàn tối thiểu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét